Chúng tôi là ai
Đà Nẵng ở vào trung độ của đất nước, cách Hà Nội 759km và thành phố Hồ Chí Minh 960km, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển và đường hàng không; phía bắc giáp Thừa Thiên-Huế, phía nam và phía tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông.
1. Vị trí chiến lược
Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm:
- Tỉnh Thừa Thiên - Huế
- Thành phố Đà Nẵng
- Tỉnh Quảng Nam
- Tỉnh Quảng Ngãi
- Tỉnh Bình Định
Cảng Đà Nẵng được xác định là điểm cuối phía đông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) với vai trò là cửa ngõ ra Thái Bình Dương và là cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng nội địa giàu tiềm năng chưa được khai thác ở Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanma và miền Trung Việt Nam.
2. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đầu tư phát triển
Cảng Đà Nẵng
Cảng Đà Nẵng là cảng container được trang bị hiện đại ở khu vực miền Trung và là một trong những cảng thương mại lớn nhất Việt Nam. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng hàng hóa thông qua Cảng là 13,4%/năm. Từ Cảng Đà Nẵng hiện có các tuyến tàu biển quốc tế trực tiếp đến Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ và các nước trên thế giới. Cảng Đà Nẵng còn là điểm đến lý tưởng cho các tàu du lịch.
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng
Là một trong ba sân bay lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam, cửa ngõ quốc tế thứ 3 của Việt Nam, cách trung tâm thành phố chưa đến 10 phút ô tô. Nhà ga hành khách 3 tầng với diện tích sử dụng 36.600 m2 đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, có thể tiếp nhận từ 4 triệu đến 6 triệu hành khách mỗi năm.
Hệ thống đường giao thông
Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố không ngừng được mở rộng và xây mới, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị sầm uất nhất miền Trung Việt Nam.
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với chiều dài 130km và rộng 26m đang được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế trong khu vực.
Hệ thống Bưu chính Viễn thông
Đà Nẵng là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế; là một trong ba điểm kết cuối quan trọng nhất của mạng trung kế đường trục quốc gia và điểm kết nối trực tiếp quốc tế . Hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông có quy mô lớn và hiện đại. Các loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú và chất lượng cao.
Hệ thống cấp điện, cấp nước
Nguồn điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng được đảm bảo cung cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500 KV Bắc - Nam.
Nhà máy cấp nước Đà Nẵng hiện có công suất khoảng 205.000m3/ngày đêm. Theo qui hoạch đến năm 2020, công suất cấp nước tại Đà Nẵng sẽ đạt 396.300 m3/ngày đêm.
Các dịch vụ hỗ trợ đầu tư
Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics ngày càng phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Hiện nay tại Đà Nẵng có 59 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng cấp I với 233 điểm giao dịch, 30 công ty bảo hiểm, 14 công ty kiểm toán, và hơn 54 đại lý vận tải, kho vận đang hoạt động.
3. Nền kinh tế phát triển năng động
Tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng cao và bền vững
Đà Nẵng có mức tăng trưởng kinh tế liên tục và khá ổn định gắn liền với các mặt tiến bộ về đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển, đô thị được chỉnh trang. Tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố trong giai đoạn 2006-2010 đạt 11%, năm 2012 đạt 9,1%, và năm 2013 đạt 7,7%.
4. Tiềm năng du lịch phong phú
Thành phố được thiên nhiên ưu đãi gần 70km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, quanh năm chan hòa ánh nắng. Năm 2005, tạp chí uy tín Forbes của Mỹ đã bình chọn biển Đà Nẵng là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.Theo tờ Sunday Herald Sun (Australia), năm 2009 bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng nằm trong số 10 bãi biển đẹp nhất Châu Á.
5. Nguồn nhân lực dồi dào và được đào tạo
Lực lượng lao động của Đà Nẵng chiếm gần 50% dân số thành phố. Hàng năm hệ thống các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại Đà Nẵng đã đào tạo hàng ngàn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà còn cho cả khu vực miền Trung.
6. Môi trường đầu tư thông thoáng
Nhiều năm liên tiếp Đà Nẵng luôn nằm trong tốp đầu, đặc biệt, ba năm 2008, 2009 và 2010, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (www.pcivietnam.org).
Các thủ tục liên quan đến việc thiết lập, triển khai và mở rộng dự án đầu tư được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa liên thông" tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí;
Chính quyền thành phố chịu trách nhiệm về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân nằm trong khu vực dự án;
Đối thoại trực tiếp giữa chính quyền thành phố và các doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.